Tiếp tục li khai Ngụy Bác quân tiết độ sứ

Năm 820, Vương Thừa Tông qua đời, em là Vương Thừa Nguyên trả ấn lại cho triều đình. Vua Mục Tông hạ chiếu: dời Điền Hoằng Chánh làm tiết độ sứ Thành Đức, cai quản tứ châu Trấn Ký Thâm Triệu; Lý Tố tiếp quản Ngụy Bác. Tuy nhiên Điền Hoằng Chánh mất lòng quân sĩ Thành Đức. Đêm ngày 29 tháng 8 năm 821, Đô tri binh mã sử Vương Đình Thấu tạo phản, cùng với binh sĩ dưới quyền kéo đến phủ đệ của Điền Hoằng Chánh,sát hại ông cùng với gia thuộc ở đất Triệu và thân tín, tham tá, tổng cộng hơn 300 người. Vương Đình Thấu nắm quyền cai quản đất Triệu.

Triều đình nhà Đường quyết định thảo phạt Vương Đình Thấu. Không lâu sau Lý Tố qua đời, bèn dùng con Hoằng Chánh là Điền Bố làm Tiết độ sứ Ngụy Bác. Điền Bố quyết tâm đánh Triệu để báo thù cho phụ thân, tuy nhiên chiến dịch nhanh chóng rơi vào bế tắc. Bộ tướng Sử Hiến Thành có dã tâm làm phản, kích động quân sĩ nổi lên phản đối. Mùa xuân năm 822, có chiếu để Điền Bố dẫn lực lượng của mình đến trại tiết độ sứ Trung Vũ[23] để tấn công Trấn châu từ phía đông, phần lớn binh sĩ đã bỏ trốn khỏi trại và đến chỗ Sử Hiến Thành. Điền Bố khi đó chỉ còn trong tay 8000 quân và buộc phải quay trở về Ngụy châu. Ông bàn bạc với các tướng sĩ về việc ra quân lần nữa, tướng sĩ ép ông phải li khai với triều đình. Điền Bố phẫn uất tự sát. Sử Hiến Thành được tin liền dẫn quân về Ngụy châu. Được sự ủng hộ của các tướng sĩ, ông tự sự là Ngụy Bác quân tiết độ sứ, tiếp tục li khai với chính quyền trung ương.